Powered by Blogger.

5/10/13


Hưởng ứng lời hiệu triệu của Thống đốc, cả 4 ngân hàng quốc doanh đều khẳng định đưa lãi suất mọi khoản vay cũ về 13% một năm từ ngày 13/5.

Trao đổi với báo chí ngày 10/5, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết để tiếp tục chia sẻ với doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình một lần nữa kêu gọi các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất khoản vay cũ về 13%.
Đây là lần thứ hai Thống đốc Bình đưa ra lời hiệu triệu như vậy. Hồi tháng 7/2012, tại Hội nghị ngành ngân hàng, ông đã chỉ đạo các nhà băng đưa mọi khoản vay về dưới 15% để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Phó Thống đốc Tiến, đến nay tỷ trọng dư nợ cho vay chịu lãi suất trên 15% với các khoản vay cũ chỉ chiếm 14% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến tại cuộc họp báo ngyà 10/5. Ảnh: H.T.
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến tại cuộc họp báo ngày 10/5. Ảnh: H.T.
Trước lời "hiệu triệu" này, lãnh đạo của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đều cam kết sẽ thực hiện ngay từ đầu tuần sau (ngày 13/5). Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến thừa nhận sau động thái này, hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm xuống.
"Nhưng theo tôi đây là sự chia sẻ cần thiết với doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi việc này nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp", Phó Thống đốc cho biết.
Agribank khẳng định sẽ không còn những khoản vay chịu lãi suất trên 13% từ ngày 13/5 nhưng Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận đây là một quyết định "hết sức khó khăn". "Những khoản vay chịu lãi suất 13%-15% của chúng tôi vẫn chiếm tới 48% tổng dư nợ. Nói điều này để thấy đây là quyết định khó khăn như thế nào với Ngân hàng Nông nghiệp", ông Hùng chia sẻ.
Đại diện Agribank cũng nhấn mạnh, 13% là lãi suất áp dụng cho những khoản dư nợ đến trước ngày 13/5. "Còn lại, lãi suất cho vay nông nghiệp tại Agribank hiện nay tối đa là 10%, trong đó có những khoản chỉ hưởng 6-8%. Các đối tượng không ưu tiên lãi suất là 12,5%", ông cho biết.
Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho rằng hạ lãi suất có thể sẽ giúp tổng dư nợ của ngân hàng tăng lên và lợi ích tổng thể lại lớn hơn chi phí. Ảnh: Thanh Lan.
Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết Vietcombank còn hơn 50.000 tỷ dư nợ chịu lãi suất trên 13%. Ảnh: Thanh Lan.
Trong khi đó, Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú ước đoán, sau khi giảm lãi suất mọi khoản vay về 13% thì ngân hàng thiệt hại trên 700 tỷ đồng. "Tuy nhiên đây là điều bình thường bởi ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cần chia sẻ thiết thực với doanh nghiệp", ông Tú nói.
Từ chối cung cấp lợi nhuận bị ảnh hưởng nếu hạ lãi suất theo "hiệu triệu" của Thống đốc nhưng Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng còn hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ chịu lãi suất 13-15%. "Có thể doanh thu sẽ bớt đi khi giảm lãi suất nhưng tổng dư nợ lại tăng lên được. Như vậy cái lợi ích tổng thể cho ngân hàng sẽ lớn hơn. Giống như việc giảm thuế cho doanh nghiệp thôi", ông Dũng phân tích.
Lãnh đạo các nhà băng quốc doanh đều khẳng định không còn những khoản vay trên 15%. Ngoài giảm lãi suất, theo Phó tổng giám đốc Vietinbank Lê Đức Thọ, Chính phủ cần tìm cách giải phóng hàng tồn kho và "nợ xấu" giữa các doanh nghiệp với nhau. "Hiện doanh nghiệp lâm vào tình trạng tương đối khó khăn là công nợ phải thu giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế rất lớn, tỷ lệ hàng tồn kho cao nên khả năng tài chính, trả nợ càng khó", ông Thọ nhận định.
Trước đó, cả 4 ngân hàng này cũng đồng loạt hạ trần lãi suất tiết kiệm trong tuần này về dưới 7% - thấp hơn mức trần 7,5% cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Thanh Thanh Lan
Nguồn:http://ebank.vnexpress.net/
Chủ đề :
Tin vàng
Tin ngoại hối
Tin chứng khoán
Tin bất động sản
Kiến thức