Powered by Blogger.

3/18/14

Nhật coi cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là “không phù hợp với hiến pháp” Ukraine...

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida (bên phải). Các lệnh trừng phạt mà Nhật Bản đưa ra với Nga có vẻ như khá mềm mỏng nếu so với lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp với các quan chức Nga và Ukraine ngày 17/3.
Coi cuộc trưng cầu dân ý của Crimea là “không phù hợp với hiến pháp” Ukraine, Nhật Bản ngày 18/3 tuyên bố sẽ tạm ngừng đàm phán với Nga về các vấn đề nới lỏng visa và tăng cường đầu tư, hợp tác vũ trụ và quốc phòng.

“Việc Nga công nhận Crimea là một nhà nước độc lập là vi phạm sự nhất thể, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và là một hành động đáng tiếc”, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida nói trước báo giới. “Nhật Bản không thể bỏ qua nỗ lực nhằm thay đổi nguyên trạng bằng sức ép này”.

Ông Kishida nói rằng, các cuộc đàm phán giữa Tokyo với Moscow về nới lỏng visa sẽ tạm ngừng, tương tự như các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư. 

Cũng trong ngày hôm nay, Chánh thư ký nội các Nhật Bản, ông Yoshihiide Suga tuyên bố, Chính phủ Nhật “theo lẽ tự nhiên sẽ xem xét” các biện pháp trừng phạt bổ sung tùy thuộc vào các hành động của Nga liên quan tới Ukraine trong thời gian tới.

Tờ Wall Street Journal bình luận, các lệnh trừng phạt mà Nhật Bản đưa ra với Nga có vẻ như khá mềm mỏng nếu so với lệnh trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp với các quan chức Nga và Ukraine ngày 17/3.

Đã hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi Mỹ công bố những lệnh trừng phạt đầu tiên nhằm vào Nga, Nhật Bản vẫn tỏ ra chưa quyết tâm với việc trừng phạt nước này, bất chấp đã ký một tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) kêu gọi Nga “ngay lập tức dừng mọi hành động ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý” ở Crimea.

Theo Wall Street Journal, một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe là giải quyết tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài 70 năm với Nga - vốn là một trở ngại lớn đối với việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Ông Abe thường xuyên đánh giá cao các cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Từ tháng 12/2012 đến nay, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau 5 lần. Tokyo và Moscow đã tổ chức cuộc họp chung giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng 2 nước vào tháng 11 năm ngoái. Đây là cuộc họp “2+2” đầu tiên của Nhật Bản với một quốc gia mà Tokyo chưa ký hiệp ước hòa bình.

Khi được hỏi tại sao Nhật Bản không có thái độ cứng rắn như Mỹ và châu Âu với Nga, Chánh thư ký Văn phòng Nội các Suga nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ đóng một vai trò phù hợp dựa trên quan hệ Nga-Nhật mà Thủ tướng Abe đã xây dựng”.

Ông Suga cũng nói rằng, Chính phủ Nhật chưa quyết định sẽ xử lý thế nào với chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Kishida tới Nga vào tháng 4 tới cũng như chuyến thăm của ông Putin tới Nhật vào mùa thu năm nay.

Theo Vneconomy
Tin vàng
Tin ngoại hối
Tin chứng khoán
Tin bất động sản
Kiến thức