Powered by Blogger.

3/17/14

Từ vị thế chiếm lĩnh khoảng 90% thị phần vàng miếng, SJC có một cú rơi chưa từng có trong hơn 20 năm trên thị trường...


Từ vị thế nhà sản xuất chiếm lĩnh thị trường vàng miếng, SJC trở thành một đơn vị gia công.

Với chính sách của Chính phủ, từ vị thế chiếm lĩnh khoảng 90% thị phần vàng miếng, hoạt động kinh doanh của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) có một cú rơi chưa từng có.

Ngày 3/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Chính sách mới có hiệu lực gần như lập tức, chỉ hơn một tháng sau đó.

Một trong những quy định quan trọng của Nghị định 24 là các giấy phép sản xuất vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp hết hiệu lực từ ngày nghị định có hiệu lực thi hành, từ 25/5/2012.

Quy định trên có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng miếng. SJC, đầu mối chiếm tới khoảng 90% thị phần thị trường vàng miếng, một vị thế lớn bị cắt bỏ. Thương hiệu vàng miếng SJC cũng được chuyển giao về Ngân hàng Nhà nước. Từ vị thế nhà sản xuất chiếm lĩnh thị trường vàng miếng, SJC trở thành một đơn vị gia công.

Tác động của chính sách là rõ nét. Ngay trong năm 2012, tổng doanh thu của công ty này đã sụt giảm mạnh, từ kỷ lục hơn 111 nghìn tỷ đồng (tương đương với khoảng 5 tỷ USD) năm 2011 xuống chỉ còn 72,5 nghìn tỷ đồng. 

Và năm 2013, năm mà hoạt động sản xuất vàng miếng bị cắt bỏ hoàn toàn, SJC chỉ kinh doanh thương mại đơn thuần ở mảng này, tổng doanh thu ước chỉ đạt hơn 28 nghìn tỷ đồng - cú rơi chưa từng có trong lịch sử 20 năm hoạt động.

Chỉ sau hai năm, từ đỉnh cao 5 tỷ USD, doanh thu giảm tới 75%, rõ ràng là một “cú sốc” trong cân đối hoạt động. Thế nhưng, cũng chỉ sau một năm, đầu tàu trên thị trường vàng này cho thấy khả năng lấy lại thăng bằng và vẫn... sống tốt.

Nhận diện trước khó khăn, năm 2013 SJC dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ khoảng 180 tỷ đồng. Nhưng, chung cuộc, kết quả thực hiện vượt kế hoạch, ước đạt 220 tỷ đồng.

Bên cạnh lợi thế sản xuất vàng miếng bị cắt bỏ, mãi lực thị trường giảm mạnh cũng góp phần giải thích cho doanh số thấp của SJC trong năm 2013.

Theo đánh giá chung của các đầu mối kinh doanh vàng, năm qua, các kênh đầu tư khác cạnh tranh với vàng đều kém hấp dẫn, như lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống vùng 7%/năm, thị trường bất động sản suy giảm và giao dịch kém, thị trường chứng khoán chỉ chớm khởi sắc vào cuối năm…, nhưng mãi lực thị trường vàng vẫn giảm sút mạnh so với những năm trước.

Một phần, giá vàng liên tục giảm sâu trong năm 2013 và không cho triển vọng phục hồi rõ ràng; hoạt động kinh doanh đối mặt với áp lực thua lỗ. Mặt khác, những chính sách hạn chế hoạt động kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước như quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng, quy định về dịch vụ gửi vàng phải trả phí… cũng góp phần khiến vàng bớt hấp dẫn trong mắt dân cư.

Thế nhưng, dù doanh thu sụt giảm mạnh, lợi nhuận của SJC lại vượt khá xa chỉ tiêu, cho thấy họ không quá “sốc” trước những tác động trên. Thậm chí, dù mảng hoạt động lớn trước đây bị cắt bỏ, năm qua lượng lao động tại công ty vẫn tăng 21% so với năm 2012, phục vụ cho sự chuyển hướng.

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng vậy. Họ đã lường đoán trước tác động của chính sách, hoạt động sản xuất vàng miếng sẽ bị siết lại. Theo đó, lĩnh vực nữ trang được thúc đẩy và đặt làm trọng tâm. Tại SJC cũng vậy, tốc độ tăng trưởng tới 75% của sản lượng và tới 50% doanh thu ngạch nữ trang là một sự bù đắp đáng chú ý.

Sự dịch chuyển và bù đắp trên cũng cho thấy, năm 2013, thị trường vàng miếng của Việt Nam đã bớt hấp dẫn, bớt sôi động, thay vào đó là nữ trang - mảng thị trường gắn với nhu cầu của số đông dân cư.

Theo VnEconomy
Chủ đề : ,
Tin vàng
Tin ngoại hối
Tin chứng khoán
Tin bất động sản
Kiến thức