Powered by Blogger.

3/17/14

Khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn phải vật lộn với sự sinh tồn, kinh doanh xanh sẽ chỉ dừng lại ở “khẩu hiệu”...


Các CEO cho rằng nền kinh tế dĩ nhiên cần những chiến lược phát triển xanh, nhưng việc thực hiện là không dễ dàng.

Khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn phải vật lộn với sự sinh tồn, kinh doanh xanh sẽ chỉ dừng lại ở “khẩu hiệu”. Đây là ý kiến chia sẻ của đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp tại “Diễn đàn CEO: Kinh doanh xanh, con đường hướng tới phát triển bền vững” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 14/3 tại Hà Nội. 

Chỉ số môi trường?


Với nhiều năm công tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho rằng, điều quan trọng nhất là cần có những chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp mặn mà với kinh tế xanh. 

Chính sách hỗ trợ này cần có lộ trình cụ thể theo từng bước phát triển của nền kinh tế. Từ đó, bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp sẽ lựa chọn sử dụng nguồn năng lượng ít hơn, hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng không có khả năng tái tạo. 

Ông Tùng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đề xuất cơ quan này đưa chỉ số môi trường trở thành một phần trong báo cáo đánh giá doanh nghiệp. Bộ này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có chỉ số môi trường tốt được vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch.

Tán đồng ý kiến này, bà Hà Thu Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam nói: “Tôi rất ủng hộ quan điểm cần đưa ra chỉ số môi trường trong báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”.

Không chỉ đề xuất về chỉ số môi trường, ông Tùng nói thêm: “Luật Tài nguyên đang sửa đổi sẽ tạo khuôn khổ pháp lý tốt hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Theo đó, sẽ có quy định chặt chẽ hơn về môi trường. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”. Đây là một trong những giải pháp có tính định hướng để doanh nghiệp hướng tới kinh doanh xanh. 

Về những mặt đã làm được của Việt Nam trong chiến lược hướng tới nền kinh tế xanh, ông Tùng cho biết, Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua. Thêm vào đó, nguồn thu thuế bảo vệ môi trường đã đạt mức gần 1 tỷ USD.

Tại Việt Nam, tỷ lệ đầu tư trên GDP cho tăng trưởng xanh ở mức thấp, chỉ khoảng 0,2%. Ngân hàng Thế giới (WB) đang hỗ trợ để giải quyết các thách thức mà Việt Nam đang đối mặt. Theo bà Laura Altinger, chuyên viên cao cấp về môi trường của WB, “phải có các chính sách để doanh nghiệp nhận thấy lợi ích, từ đó, doanh nghiệp mới đặt mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ xanh, vai trò của cơ quan quản lý là rất quan trọng và cũng là thách thức của Việt Nam hiện nay”.  

Nếu... thì...


Từ phía doanh nghiệp, các CEO cho rằng nền kinh tế dĩ nhiên cần những chiến lược phát triển xanh, nhưng việc thực hiện là không dễ dàng. 

Với nhiều năm thực hiện chiến lược hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xanh, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết ngân hàng của ông đã gặp khá nhiều khó khăn. Hiện tại OCB đã có đội ngũ làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xanh, tuy nhiên, vấn đề họ gặp phải hiện nay là thiếu những cơ quan chức năng xác thực được mức độ bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm của doanh nghiệp. 

Mặt khác, để cải thiện công nghệ theo hướng phát triển xanh, doanh nghiệp cũng không dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn.

Do đó, ông Linh đề xuất, nên có tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách có những tiêu chuẩn rõ ràng trong việc đánh giá tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tác hại môi trường. Qua đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận với các nhà đầu tư. 

Nhìn lại những năm khó khăn vừa qua của nền kinh tế, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tôn Hoa Sen cho rằng, chỉ khi nào doanh nghiệp được đầu tư một cách thực sự thì nền kinh tế mới có thể phát triển bền vững. 

Rất thẳng thắn, vị CEO này chia sẻ: “Cộng đồng doanh nghiệp cần hệ thống tài chính tiền tệ lành mạnh, có kỷ cương, nếu thiếu điều đó thì chúng tôi thiếu niềm tin. Nếu nền kinh tế ở trong tình trạng bị đầu cơ cao, thị trường chứng khoán, bất động sản bất ổn thì không thể có sự phát triển bền vững”.

“Nếu không được đầu tư thực sự, nếu thiếu niềm tin, không ai dám nghĩ đến kinh doanh xanh đâu”, ông Vũ nói. 

Theo Vneconomy
Tin vàng
Tin ngoại hối
Tin chứng khoán
Tin bất động sản
Kiến thức