Powered by Blogger.

Blog Archive

4/20/13


Tuy mới ra đời 20 năm nhưng ngành đầu tư ETF (đầu tư chỉ số) thực sự phát huy hiệu quả.

1. ETF là gì?
ETF (Exchange Traded Fund) là một hình thức quỹ đầu tư chỉ số. Danh mục của ETF gồm một rổ chứng khoán có cơ cấu như cơ cấu của chỉ số mà nó mô phỏng.
Theo đó, nhà quản lý quỹ không cần tích cực tái cơ cấu danh mục của quỹ mà chỉ cần bám sát theo rổ chứng khoán của chỉ số mục tiêu.
ETF không hoàn toàn là một công cụ đầu tư an toàn với lợi nhuận thấp và chắc chắn, nhưng cũng không phải là một sản phẩm rủi ro hứa hẹn lợi nhuận cao. Đây là một dạng đầu tư tương tự như đầu tư danh mục nhưng có chi phí thấp và suất sinh lời ngang với mức sinh lời của thị trường.
2. Lợi ích của ETF
Đối với nhà đầu tư, ETF là một hình thức quỹ mở nhưng thừa kế cả ưu điểm của quỹ đóng và mở đồng thời hạn chế nhược điểm của 2 loại quỹ này. Do đó, ETF có tính minh bạch cao hơn, phù hợp với nhiều nhà đầu tư và có danh mục đầu tư đa dạng.
Đối với nền kinh tế, thứ nhất, quỹ ETF chứng khoán có thể là một công cụ hiệu quả để xử lý nợ xấu và sở hữu chéo. Ví dụ, tại Nhật Bản, những năm 1990, nền kinh tế vô cùng khó khăn, thị trường chứng khoán giảm mạnh, khiến cổ phiếu bất động sản và cổ phiếu trong danh mục đầu tư của các ngân hàng đồng loạt giảm mạnh. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Nhật Bản đã cho phép hình thành các quỹ ETF và các quỹ đầu tư bất động sản, thực chất là việc chứng khoán hóa các tài sản (nợ xấu, sở hữu chéo) trong hệ thống ngân hàng.
Động thái này giúp cải thiện đáng kể chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng, tăng tỷ lệ an toàn tài chính, giảm nợ xấu, từ đó tăng khả năng cung tín dụng của cả hệ thống ngân hàng. Giá trị tài sản của các quỹ ETF này cũng tăng mạnh qua các năm, góp phần xử lý một khối lượng lớn tài sản đọng trong hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, quỹ ETF còn là công cụ phòng chống khủng hoảng. Điển hình là sự ra đời và can thiệp của chính quyền Hong Kong nhằm chống đầu cơ tiền tệ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính ở châu Á.
Nhà đầu cơ nước ngoài giữ vị thế bán hợp đồng tương lai chỉ số trong giai đoạn 1997-1998, gây áp lực khiến thị trường chứng khoán Hong Kong HSI sụt giảm mạnh buộc chính quyền Hong Kong phải mua danh mục chứng khoán cấu thành chỉ số HSI nhằm chặn đà giảm của chỉ số, hạn chế đầu cơ phái sinh và đầu cơ tỷ giá của giới đầu cơ nước ngoài.
Thứ ba, tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán đặc biệt là thị trường thứ cấp. Tạo ra sản phẩm đầu tư minh bạch, cơ chế giao dịch linh hoạt, đa dạng hóa rủi ro và được quản lý chuyên nghiệp; giúp thị trường chứng khoán thu hút thêm nhà đầu tư mới, dòng vốn mới trên thị trường thứ cấp, tạo sự lan tỏa dễ thu hút thêm nguồn vốn cho nền kinh tế qua thị trường sơ cấp.
Thứ tư, thay đổi hành vi và văn hóa đầu tư. Thay vì thực hiện đầu tư vào từng mã chứng khoán riêng biệt, đòi hỏi nhiều thời gian để phân tích thị trường và thời điểm giao dịch. Điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn khi số lượng cổ phiếu niêm yết ngày một nhiều hơn, thậm chí lên tới hàng nghìn mã cổ phiếu.
Với sản phẩm quỹ ETF, nhà đầu tư sẽ đầu tư vào một rổ chỉ số, dễ theo dõi và phù hợp với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp hoặc các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư tổ chức (quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm). Ngoài ra, việc đầu tư vào rổ chứng khoán (đầu tư theo chỉ sổ) cũng hạn chế hiện tượng thị trường bị lạm dụng, thao túng.
Thứ năm, thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, đặc biệt do cơ chế quỹ mở, nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế sở hữu số lượng chứng chỉ quỹ nắm giữ. Tuy nhiên, việc nhà đầu tư nước ngoài khi nhận lại danh mục cơ cấu, thì sẽ phải bán ra nếu vượt tỷ lệ sở hữu, sẽ vẫn giúp duy trì việc quản lý tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức phát hành.
 Vietstock
Chủ đề :
Tin vàng
Tin ngoại hối
Tin chứng khoán
Tin bất động sản
Kiến thức